Hai đợt sốt đất mới có thể sẽ xuất hiện trong quý 4/2020?

Dự án TP. Thủ Đức tại TP.HCM đã khiến giá nhà đất 3 quận khu Đông nóng bỏng tay. Trong khi đó tại phía Bắc, đề xuất bố trí sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô tại huyện Ứng Hòa khiến nhiều nhà đầu tư đang mong chờ một diễn biến tương tự.

Nguyên nhân không mới, chỉ có điều mới là cơn sốt sẽ xuất hiện ở đâu, mức độ sốt giá ra sao, liệu có kéo dài không… Gần đây, thị trường nhà đất TP.HCM đang thu hút sự chú ý bởi những biến động có thể đoán trước từ khi có thông tin phê duyệt chủ trương thành lập TP. Thủ Đức. Tương tự, ở miền Bắc, đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội cũng lập tức khiến nhiều người tạm quên đi nghi ngại về một diễn biến ảm đạm như trong đợt dịch bệnh, thay vào đó là hình dung về những cơn sốt đất có thể xảy ra.

“Bỏng tay” với giá đất TP. Thủ Đức

Ngày 31/7, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý chủ trương thành lập TP. Thủ Đức (còn gọi là thành phố phía Đông) từ việc sáp nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức. Phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) được UBND TP.HCM chọn là Khu đô thị trung tâm của thành phố này. Ngày 4/10, UBND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũng đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri về đề án thành lập TP. Thủ Đức với hơn 92% ý kiến đồng tình với việc thành lập. Thông tin này lập tức khiến giá đất tại 3 quận khu Đông biến động.

Tin đăng rao bán bất động sản thuộc TP. Thủ Đức xuất hiện tràn ngập với mặt bằng giá cao hơn trước. Các môi giới, nhà đầu tư lùng sục khắp nơi để săn hàng.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, ngay trong tháng 8, giá bán đất nền, nhà riêng, căn hộ tại quận 9, Thủ Đức đã rục rịch tăng. Giá chào bán đất nền trung bình tại Thủ Đức khoảng 53,7 triệu đồng/m2, tăng khoảng 1,2% so với giá đầu năm.

Lãnh đạo một công ty môi giới tại quận 9 cho biết, khu vực phường Trường Thọ đang có làn sóng của các nhà đầu tư săn tìm các khu đất có ảnh hưởng từ việc di dời các nhà máy, xí nghiệp. Bất động sản tại đây trước đó không quá đắt đỏ do bị bao quanh bởi nhiều nhà máy, cụm cảng, hạ tầng giao thông cũng chưa đồng bộ. Tuy nhiên, sau thông tin thành lập TP. Thủ Đức, giá nhà đất đã thiết lập một mặt bằng mới. Vị lãnh đạo này cho hay, nếu trước đây, một căn nhà phố từ 100m2 có giá 5-7 tỷ đồng thì hiện nay đa phần đã tăng lên hơn 10 tỷ đồng. Ngay cả nhà trong hẻm phường Trường Thọ cũng tăng giá bán lên 75-80 triệu đồng/m2.

Xuất hiện cơn sốt đất trên thị trường cuối năm 2020
Thành phố Thủ Đức trong tương lai được sáp nhập từ 3 quận: quận 2, quận 9 và Thủ Đức

Về mức giá hiện tại, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa cho rằng, giá bất động sản khu Đông đang rất cao. Nhiều dự án căn hộ đã tăng giá gấp đôi, dù chưa tương xứng với chất lượng thực.

Miền Bắc cũng có thể xuất hiện điểm nóng mới?

Nếu ở miền Nam có dự án thành phố Thủ Đức đang làm chao đảo thị trường thì ở phía Bắc, một dự án cũng đang rất được quan tâm là sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô. Mới đây, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã kiến nghị bố trí sân bay này tại huyện Ứng Hòa. Thông tin này gợi nhớ đến rất nhiều cơn sốt đất đã xảy ra trước đó. Chẳng hạn như chỉ mới hồi tháng 3, một tập đoàn bất động sản lớn đã đề xuất được đầu tư 2 dự án khu đô thị có tổng quy mô 500ha tại xã Đồng Trúc, khu công nghệ cao Hoà Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ngay sau thông tin này, nhiều nhà đầu tư và cả cò đất thi nhau kéo về đây, tạo nên một cơn sốt đất ảo. Chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc để cảnh báo người dân và các nhà đầu tư.

Về dự án sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô, có nhiều ý kiến phản biện được đưa ra. Dựa trên sự tăng trưởng và tình hình phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, nhiều chuyên gia ủng hộ việc có thêm một sân bay trong tương lai, tuy nhiên vấn đề cần xem xét sẽ là chọn vị trí sân bay ở đâu, khi nào đầu tư…

PGS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cần phải được nghiên cứu kỹ nếu không sẽ gây những hậu quả lớn cho xã hội. Bởi vùng phía Nam Hà Nội là vùng rất trũng, nếu làm sân bay thì việc đầu tư, san lấp mặt bằng là rất lớn. Đất làm sân bay ít nhất là 5.000ha, đầu tư công là tiền thuế của nhà nước nên hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Ngoài ra, khu vực này là đất nông nghiệp nên cần tính đến vấn đề an ninh lương thực. Chưa kể đây là vùng được vẽ thành vành đai xanh của Hà Nội. Và vấn đề khác là quy hoạch sẽ làm rối loạn thị trường bất động sản.

Dù mới chỉ dừng lại ở đề xuất nhưng thông tin xung quanh dự án sân bay này ngay lập tức thu hút được sự chú ý của dư luận, đặc biệt là các nhà đầu tư bất động sản đang muốn tìm kiếm cơ hội.

 

( Theo Phùng Dung – Thanhnienviet )