Bất động sản TP.HCM: “Nóng” phân khúc nhà ở xã hội

Trong giai đoạn 2021-2025, TP.HCM dự kiến phát triển 2,13 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, Thông tin tích cực này nhen nhóm hy vọng cho người thu nhập thấp ở đô thị có cơ hội mua được nhà.

Lệch pha cung – cầu

Nhà ở xã hội là hy vọng cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp để có thể an cư lạc nghiệp tại các đô thị. Thế nhưng, trên thực tế, việc mua được nhà ở xã hội của các đối tượng này tại những đô thị lớn như TP.HCM lại rất nhiêu khê, phức tạp.

Chị Hà Thanh Bình đã hơn chục năm làm công nhân tại một công ty ở quận 12, thuộc đối tượng thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội, nhưng sau nhiều lần tìm hiểu, giấc mơ an cư vẫn xa vời.

Theo các chuyên gia, để khắc phục sự thiếu hụt nhà ở xã hội thì nên giao việc xây dựng, phát triển nhà ở xã hội cho các đơn vị của Nhà nước, bởi sứ mệnh của các đơn vị nhà nước là thực hiện việc điều phối thị trường.

Phân khúc nhà ở xã hội tại Hồ Chí Minh

Chị Bình cho biết, khoảng đầu năm 2017, chị có nghe thông tin bên quận Thủ Đức có một dự án nhà ở xã hội đang rao bán. Sau khi tìm hiểu, chị đến trực tiếp văn phòng tư vấn của chủ đầu tư để được hướng dẫn hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, do thường xuyên ở trọ nay đây mai đó, chị không thể có xác nhận của chính quyền địa phương về tình trạng nhà ở, nên ước mơ có một căn nhà tại TP.HCM vẫn chưa thành hiện thực.

Đến năm 2020, chị lại nghe ngóng được thông tin là bên quận 9 có dự án nhà ở xã hội Topaz Home 2, chỉ khoảng 700 – 800 triệu đồng/căn 2 phòng ngủ. Nhưng khi chị tìm đến dự án và hỏi thông tin từ nhân viên môi giới thì nhận được câu trả lời rằng, các căn nhà ở xã hội của dự án đã được bán hết, hiện tại Công ty đang tập trung bán shophouse và căn hộ thương mại.

“Môi giới bảo nếu muốn mua nhà ở xã hội thì phải đóng thêm tiền chênh lệch. Cụ thể, căn 2 phòng ngủ, 1 nhà vệ sinh hiện có giá khoảng 1 tỷ đồng, cao hơn so với thời điểm lúc mới mở bán 300 triệu đồng”, chị Bình nói.

Câu chuyện của chị Bình cũng giống nhiều trường hợp khác đang nộp hồ sơ thuê, mua nhà ở xã hội hiện nay. Ngoài thủ tục phức tạp thì để tìm kiếm được một dự án nhà ở xã hội trong thời điểm hiện nay là điều rất khó.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn 2016 – 2020, có 23 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,15 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 17.900 căn hộ, trong khi mục tiêu đề ra là xây dựng 20.000 căn. Số căn hộ này chưa thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội theo tính toán trong giai đoạn 2016 – 2020 là khoảng 80.000 căn.

Đừng chỉ trông chờ vào doanh nghiệp

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM phát triển khoảng 2,13 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 24.000 căn hộ, phục vụ cho các đối tượng tái định cư và đối tượng thu nhập thấp.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng chia sẻ, để thực hiện kế hoạch trên, Sở sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện 19 dự án nhà ở xã hội trong danh mục dự kiến hoàn thành sau năm 2020. Đồng thời cập nhật, rà soát các dự án nhà ở thương mại có quy mô lớn hơn 10 ha, đã xác định quỹ đất 20% để thực hiện nhà ở xã hội.

“Hiện có khoảng 65 dự án nhà ở thương mại theo quy định phải dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội đang trong tầm ngắm, với tổng diện tích 197,3 ha, quy mô khoảng 146.550 căn. Các dự án này đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư”, ông Khiết thông tin.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư, mục tiêu này sẽ khó thành hiện thực nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, khi hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM gặp vướng mắc về pháp lý. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư dự án thẳng thừng đề nghị xin chuyển đổi qua căn hộ thương mại.

Cụ thể, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn đã có văn bản kiến nghị về dự án chung cư nhà ở xã hội tại phường An Phú Đông, quận 12. Trong tổng số 308 căn hộ, Công ty phải dành tối thiểu 61 căn nhà ở xã hội để cho thuê, được bán tối đa 184 căn hộ với giá không vượt quá 14,5 triệu đồng/m2, được bán kinh doanh thương mại 63 căn hộ. Công ty này tính toán, nếu làm như vậy sẽ bị lỗ gần 15 tỷ đồng, do đó đề xuất Sở Xây dựng cho phép chuyển đổi 61 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê sang bán giá thương mại để thu hồi vốn và có lãi.

Một dự án khác tại đường Liên Phường, quận 9, cũng đang làm thủ tục chuyển đổi từ nhà ở xã hội thành thương mại là Haus Belo, do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Minh Sơn làm chủ đầu tư, EZ Land Việt Nam là đơn vị phát triển dự án. Hiện tại, dự án mới chỉ được quây tôn xung quanh mà chưa được triển khai xây dựng, bên trong cỏ mọc um tùm.

Theo UBND quận 9, Công ty Minh Sơn đang đề nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2.000 làm cơ sở để điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, tăng quy mô dân số đối với lô đất xây dựng chung cư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Global Home cho biết, tuy nhà ở xã hội là được Nhà nước khuyến khích phát triển, nhưng hiện tại, khi triển khai đầu tư xây dựng thì lại không còn gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng nữa. Khi không có cơ chế ưu đãi đặc biệt thì chủ đầu tư nào cũng ngại làm nhà ở xã hội.

“Đối với doanh nghiệp, quan trọng vẫn là lợi nhuận. Khi đầu tư một dự án mà bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định, trong khi lại không chủ động được công tác triển khai, khai thác, nên ngại làm là điều dễ hiểu”, ông Thành nói.

 

( Theo Việt Dung / Baodautu )

Link gốc: https://dautubds.baodautu.vn/bat-dong-san-tphcm-nong-phan-khuc-nha-o-xa-hoi-d137340.html