Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước sử dụng tối đa các biện pháp để hạ chi phí, giảm lãi suất huy động và cho vay nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời có chính sách hỗ trợ lãi suất với từng đối tượng cụ thể.
Trong cuộc họp Thường trực chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, trái phiếu doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong lúc người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ. Cần tổ chức thực hiện thật tốt các chính sách, xem xét, nghiên cứu ban hành các chính sách mới giúp các thị trường có thêm nguồn lực để phát triển, góp phần thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng sử dụng hết các công cụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các văn bản, chỉ đạo đã ban hành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý.
Thủ tướng nhấn mạnh, các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tỉ lệ lớn trong tổng lượng tín dụng của nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng này cần tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường, tạo động lực, truyền cảm hứng cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ nền kinh tế phát triển, tiếp tục nỗ lực giảm chi phí đầu vào từ đó giảm lãi suất huy động và cho vay. Thủ tướng chỉ đạo, bằng nhiều biện pháp, các ngân hàng thương mại Nhà nước cần phải giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, trên cơ sở đảm bảo cân đối lạm phát. Việc các ngân hàng hạ lãi suất đầu vào – đầu ra cũng sẽ tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng phải có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể, hướng tín dụng vào đúng vào địa chỉ, lĩnh vực cần thiết.
Riêng với thị trường BĐS, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để hoàn thành các dự án khả thi, đưa các sản phẩm vào thị trường. Cùng với đó, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, làm tốt công tác quy hoạch. Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp phải cơ cấu lại phân khúc BĐS, cần tập trung vào phát triển các phân khúc có giá trị thấp, phục vụ nhu cầu số đông và tận dụng chính sách ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để triển khai nhiều hơn dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện tại mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn quanh 8-9% một năm. Với mức lãi đầu vào này, lãi suất cho vay của các ngân hàng phổ biến 10-12% một năm, thậm chí có nhà băng kéo lên 13-14% một năm. Mức lãi vay này vẫn quá cao để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận. Tín dụng đến ngày 20/4 của hệ thống NHNN chỉ tăng 2,57% so với đầu năm. Tín dụng tăng thấp do cầu thấp, ngân hàng thận trọng cấp vốn và một phần do thị trường BĐS vẫn khó khăn khiến tín dụng vào lĩnh vựa này giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng toàn ngành.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ giám sát chặt các nhà băng trong điều chỉnh lãi suất, không để chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra cao như hiện nay. Một số ngân hàng hạ lãi suất huy động nhưng lại tăng ở đầu cho vay so với cuối 2022 phải xem xét điều chỉnh lại.
( Theo Đông Phong – Thanhnienviet)
Nguồn: https://thanhnienviet.vn/2023/04/26/thu-tuong-de-nghi-cac-ngan-hang-giam-lai-suat-vay