Môi giới “tìm hướng đi” khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát

Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vào cuối tháng 4/2021 tiếp tục đẩy nhiều ngành nghề, trong đó có môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh khó khăn. Rất nhiều sàn giao dịch bất động sản đã phá sản, môi giới lâm cảnh thất nghiệp. Những môi giới vẫn bám trụ với nghề đang thay đổi cách thức làm việc.

Môi giới lâm cảnh thất nghiệp

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong gần 2 năm qua là cú bồi khiến thị trường bất động sản vốn có dấu hiệu giảm tốc từ năm 2019 càng thêm khó khăn. Trên thực tế, thời điểm đầu năm 2020, khi đại dịch mới bùng phát, rất nhiều sàn giao dịch đã phải đóng cửa do những tác động tiêu cực mà dịch bệnh gây ra. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản tính đến hết năm 2019 tại Việt Nam là khoảng 1.000. Đợt bùng phát của dịch bệnh đầu năm 2020 đã khiến khoảng 1/3 số sàn phải đóng cửa.

Trong suốt năm 2020 đến nay, Covid-19 tiếp tục tái bùng phát nhiều lần khiến những sàn còn trụ lại trên thị trường tiếp tục lao đao. Báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2021 của Bộ Xây dựng cho biết từ cuối tháng 4/2021, đại dịch Covid bùng phát lần thứ 4 kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn những lần trước khiến các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án là còn duy trì hoạt động. Khoảng 80% các sàn giao dịch còn lại phải tạm dừng hoạt động.

Môi giới bất động sản trong mùa dịch

Nhiều môi giới lâm cảnh thất nghiệp do những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 suốt thời gian qua

Chị Nguyễn Mai Linh, nhân viên môi giới một sàn giao dịch bất động sản tại Cầu Giấy cho biết, năm 2020, sàn cũ chị làm phá sản do dịch bệnh nên chị xin về làm việc tại sàn hiện tại. Nhiều đồng nghiệp ở công ty cũ đã bỏ nghề, chuyển sang bán hàng online, ship hàng… Gắn với nơi làm việc mới nhưng tình hình công việc của chị Linh cũng không khá hơn. Nhân viên như chị hiện cũng không còn được trả lương cứng và cũng không còn được hỗ trợ tiền chạy marketing, chỉ còn được hưởng hoa hồng trên mỗi giao dịch. Nếu tình trạng này kéo dài, chị Hải Linh tính đến việc tạm bỏ nghề, tìm cơ hội công việc khác.

Không khá hơn, anh Trịnh Hoàng Mạnh cũng mới thất nghiệp hơn tháng nay, sàn giao dịch nơi anh làm việc đã cố gắng cầm cự trong suốt hơn năm qua. Nhưng nguồn hàng để bán không nhiều và lượng giao dịch thấp khiến thu không đủ bù chi nên cách đây hơn 1 tháng, sàn của anh đã giải thể.

Môi giới thay đổi cách thức làm việc

Đại dịch với các đợt giãn cách xã hội và hạn chế tụ tập đông người khiến hầu hết các sàn giao dịch đều hoạt động theo phương thức kinh doanh mới như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo.

Anh Phạm Thanh Hải, môi giới bất động sản tại Hà Đông cho biết, Covid-19 đã làm thay đổi cách thức tiếp cận, làm việc với khách hàng. Đại dịch cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ. Do không thể đi lại để gặp gỡ, tiếp xúc khách hàng, anh Hải và đồng nghiệp giới thiệu sản phẩm bất động sản tới khách hàng bằng việc sử dụng hình ảnh, video tour, 3-D virtual tour. Sàn anh Hải đang làm việc cũng tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm, mở bán online trực tuyến.

Trong khi đó, chị Trần Phương Nhung, môi giới chuyên dòng đất nền vùng ven Hà Nội cho biết ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công việc, giai đoạn giãn cách có nhiều thời gian rảnh, chị tận dụng khoảng thời gian này để nâng cao năng lực bản thân thông qua các khóa học trực tuyến, hội thảo chuyên môn được tổ chức bởi các đơn vị có uy tín. Chị cũng tìm hiểu thêm các kiến thức về thị trường , pháp lý bất động sản.

Chuyên gia kinh tế – tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp việc ứng dụng công nghệ vào bất động sản rất quan trọng. Để việc ứng dụng này thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường, nhà nước cần thành lập bộ phận chuyên trách để tổng hợp, quản lý và công bố thông tin, dữ liệu thị trường bất động sản định kỳ. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các thành phần trên thị trường. Việc số hóa thông tin, dữ liệu và tiến tới cho phép tra cứu công khai dữ liệu đất đai, dự án bất động sản, hỗ trợ phát triển tài chính bất động sản… cần được tiến hành sớm.

 

( Theo Duy Bách / Thanhnienviet )

Link gốc: https://batdongsan.com.vn/tin-thi-truong/moi-gioi-tim-huong-di-khi-dich-benh-covid-19-bung-phat-ar107314