Kể từ khi lĩnh vực bất động sản thương mại xuất hiện, câu châm ngôn “truyền đời” được người trong nghề nắm chắc luôn là “địa điểm, địa điểm, địa điểm”. Nhưng, khẩu hiệu này đến nay đã không còn chính xác…
Nếu như năm 2016, “địa điểm, thông tin, phân tích” trở thành châm ngôn mới của các thành viên thị trường bất động sản thương mại, thì hiện nay, lĩnh vực này đã phát triển hơn nữa.
Khi năm 2020 mở ra thập kỷ mới, các công ty bất động sản thương mại thành công phải nằm lòng kim chỉ nam mới là “địa điểm, trải nghiệm, phân tích”.
Khảo sát triển vọng thị trường bất động sản thương mại năm 2020 của Deloitte được tiến hành với sự tham gia của 750 lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp bất động sản, nhà phát triển, công ty môi giới và nhà đầu tư ở 10 quốc gia trên thế giới. Kết quả thu về chỉ rõ, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân ưa chuộng các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ để tạo ra những trải nghiệm cuộc sống tốt nhất cho khách hàng tiêu dùng cuối cùng, chính là chủ nhân của các căn hộ.
Hơn bao giờ hết, trải nghiệm người dùng được đánh giá ở vị trí cao nhất trong chiến lược phát triển của các công ty bất động sản trên thị trường. Theo đó, 92% người tham gia khảo sát duy trì quan điểm cho rằng, trải nghiệm của khách hàng là vấn đề quan trọng nhất hoặc nâng cao hơn các yêu cầu đối với việc cung cấp trải nghiệm tích cực tới người tiêu dùng.
Thực tế, nền kinh tế hiện tại tập trung vào trải nghiệm người dùng đang thay đổi và định hình lại nhu cầu, kỳ vọng của người tiêu dùng tại mọi lĩnh vực, đồng thời làm thay đổi cách thức mà các ngành công nghiệp vận hành. Đối với thị trường bất động sản thương mại, nếu như trước đây, việc cung cấp sản phẩm – dịch vụ với trải nghiệm dễ chịu thường được xem là yếu tố thêm vào nhằm tạo sự gắn kết với khách hàng, thì hiện tại, đây đã là mục tiêu xuyên suốt để thu hút, giữ chân người dùng.
Đa phần các doanh nghiệp bất động sản đang nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng cách đầu tư mạnh hơn cho công nghệ trong gần 2 năm qua. Theo đó, các nhà phát triển bất động sản tin rằng, công nghệ Internet vạn vật (IoT) và ứng dụng di động là yếu tố quan trọng để khách hàng cuối cùng có được cuộc sống thoải mái, tiện nghi, hiện đại nhất. Đối tượng thụ hưởng ở đây là người dân sinh sống tại các căn hộ, nhân viên làm việc tại các văn phòng cho thuê, người bán hàng tại các cửa hiệu bán lẻ, công nhân tại các nhà máy…
Tại lĩnh vực bán lẻ, các nhãn hàng hàng đầu đang tạo ra những trải nghiệm chưa từng có để làm hài lòng khách hàng một cách tối đa. Chẳng hạn, các cửa hiệu của Ralph Lauren tại New York lắp đặt các gương thông minh trong phòng thử đồ. Hệ thống này cho phép khách hàng ngắm sản phẩm dưới các ánh sáng có cường độ chiếu sáng, màu sắc khác nhau. Hay ứng dụng mua sắm thông minh đi kèm cho phép khách hàng phối thêm các phụ kiện khác và nhìn ngắm tổng thể trang phục.
Ralph Lauren cho biết, hệ thống này khiến khách hàng nán lại cửa hàng lâu hơn và doanh số bán hàng riêng tại các cửa hàng này tăng gấp 3 lần.
Bên cạnh đó, IoT gắn liền với các căn hộ thông minh, tòa nhà thông minh khiến người mua/thuê nhà sẵn sàng trả mức giá cao hơn. Theo khảo sát của Deloitte, lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản cho biết, khách hàng vui vẻ trả cao hơn mức giá thông thường 6 – 10% đối với căn hộ có các tiện ích hiện đại, thậm chí con số này có thể lên tới 11 – 15%.
Tuy nhiên, 70% lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát của Deloitte cho biết, chỉ 20% các bất động sản thuộc sở hữu của công ty là các tòa nhà thông minh. Điều này cho thấy, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các tòa nhà/căn hộ với công nghệ IoT sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Dự báo của các tổ chức kinh tế lớn cho rằng, tòa nhà thông minh sẽ trở thành chuẩn mực bình thường mới trong 5 năm tới. Thậm chí, với một số phân khúc nhất định, gắn với các loại hình bất động tập trung vào trải nghiệm người dùng, tiêu chuẩn thông minh sẽ trở nên thông dụng trong 2 năm tới.
Đối với thị trường bất động sản, yếu tố địa điểm luôn đóng vai trò quan trọng đối với bất kỳ thành viên thị trường nào trước khi đưa ra quyết định mua/bán, thuê/cho thuê… Vị trí của yếu tố “địa điểm” sẽ ít có sự thay đổi, nhưng không còn là độc tôn đối với quá trình đưa ra quyết định trong tương lai. Các nhà phát triển bất động sản cho rằng, tòa nhà/căn hộ thông minh sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng và có sức ảnh hưởng lớn hơn tới quyết định của khách hàng.
Kết quả khảo sát của Deloitte cho thấy, 40% người tham gia khảo sát tin rằng, căn hộ thông minh và vị trí sẽ có tác động ngang nhau trong quá trình ra quyết định của nhà đầu tư/khách hàng. 21% tin rằng, yếu tố tòa nhà/căn hộ thông minh có ảnh hưởng lớn hơn tới việc nhà đầu tư xuống vốn hoặc khách hàng quyết định mua bất động sản.
Trong bối cảnh này, trong 18 tháng tới, đa phần các doanh nghiệp bất động sản đều có mục tiêu nâng tỷ lệ các bất động sản thông minh trong danh sách tài sản của mình lên 21 – 40%. Xét theo khu vực, Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các dự án bất động sản thông minh trong thời gian tới, chủ yếu bởi tốc độ gia tăng nhanh chóng của dân số đô thị, tầng lớp trung lưu, hoạt động đầu tư vào công nghệ và tốc độ tăng trưởng chung. Theo đó, tỷ trọng đóng góp doanh thu từ các tòa nhà IoT sẽ tăng lên mức 36% cho tới năm 2022.
Nhìn chung, IoT và ứng dụng di động là những yếu tố công nghệ quan trọng giúp nâng cao trải nghiệm người dùng cuối cùng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Trong thời gian ngắn tới, người thuê nhà, cư dân và chủ các cửa hiệu đều coi các giải pháp công nghệ trong tòa nhà là yêu cầu cần thiết tối thiểu và đòi hỏi các nhà phát triển bất động sản phải đáp ứng.
Lam Phong (Đầu tư Bất động sản)