Bên cạnh giải quyết vấn đề nguồn vốn, hỗ trợ vốn vay thì việc cải cách thủ tục hành chính đang là vấn đề thiết yếu để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Bộ KH&ĐT vừa được giao cân đối bổ sung 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Tăng nguồn vốn
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, việc bổ sung tổng 3.000 tỷ đồng tín dụng là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ phần nào các dự án nhà ở xã hội đang triển khai cũng như hỗ trợ công nhân, người có thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở.
Theo ông Nam, hiện tại việc giải quyết vấn đề nguồn vốn đang là điều thiết yếu để thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, giải quyết vấn đề nhà ở của người có thu nhập thấp. Chủ tịch VNREA phân tích, với 1.000 tỷ đồng được cấp với tỷ lệ bù lãi suất vay 3-4% tương đương với mỗi năm có tới 25.000-30.000 tỷ đồng có thể được huy động thêm để cho người vay mua. Tuy nhiên, cần phải chọn đúng đối tượng hưởng theo “Chính sách về nhà ở xã hội” được quy định tại Luật Nhà ở.
Dự án nhà ở xã hội Bright City chậm tiến độ nhiều năm do thiếu vốn
Là doanh nghiệp tham gia phát triển 4 tòa nhà ở xã hội, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long thừa nhận, trong những năm qua phân khúc nhà ở xã hội còn nhiều gặp khó khăn vì chủ đầu tư và khách hàng đều không được vay. Trong 4 toàn nhà ông đang triển khai, mới chỉ bàn giao được 1 toà, 1 toà khác doanh nghiệp đang tính đến việc liên danh.
“Tuy nhiên, chỉ cần Chính phủ để các ngân hàng thương mại có cơ chế miễn lãi và hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp sẽ tự tìm đến ngân hàng vay vốn để tiếp tục phát triển các dự án phục vụ những người nghèo”, ông Sơn cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giai đoạn triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ, cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 86 nghìn căn hộ. Tuy nhiên, con số này chỉ mới đạt khoảng 34% so với mục tiêu trong Chiến lược phát triển Nhà ở Quốc gia đến năm 2020. Hiện đang có khoảng 220 dự án đang được triển khai, dự kiến sẽ cung cấp 180 nghìn căn hộ ra thị trường.
Việc gói tín dụng 30.000 tỷ kết thúc hồi giữa năm 2016, do nhu cầu nhà ở giá rẻ vẫn cao, trong khi nguồn cung thiếu, hàng loạt dự án lại rơi vào tình trạng thiếu vốn, chậm tiến độ dẫn đến thị trường nhà ở giá rẻ càng trở nên “nóng” hơn. Điều này là một trong những lý do khiến thời gian gần đây một số dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện trên địa bàn Hà Nội bỗng nhiên tăng giá, mà theo lý giải của các doanh nghiệp: “Không “cấu” được vào đâu buộc phải “cấu” vào giá bán”.
Đơn cử như tại dự án nhà ở xã hội IEC (huyện Thanh Trì), giá bán đã lên đến 16 triệu đồng/m2, dự án Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm) với 16,3 triệu đồng/m2, thậm chí tại dự án FLC Đại Mỗ mức giá trung bình lên tới 19,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, thời điểm được hỗ trợ từ gói 10 nghìn tỷ, mức giá bán cao nhất của nhà ở xã hội không vượt quá 15 triệu đồng/m2.
Giảm thủ tục
Bên cạnh giải quyết vấn đề về nguồn vốn, Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, Hiệp hội tiếp nhận nhiều ý kiến của các doanh nghiệp về thủ tục tiếp nhận hồ sơ của khách hàng kéo dài tới 60 ngày cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu suất thanh khoản của dự án nhà ở xã hội.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 20 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, để có thể thực thực hiện việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến dự án, kế hoạch tổ chức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tại dự án gửi Sở Xây dựng trước 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn đăng ký của khách hàng.
Bên cạnh đó, để Sở Xây dựng công khai trên cổng thông tin điện tử và kiểm tra cũng cần tối thiểu 30 ngày làm việc sau khi tiếp nhận hồ sơ. Theo đó, chủ đầu tư mất tới 60 ngày chỉ để hoàn tất thủ tục tiếp nhận hồ sơ khách hàng, thời gian kéo dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến số đợt mở bán trong năm, quyết định mua của khách hàng cũng như hiệu quả kinh doanh của dự án.
Bên cạnh đó, hiện đang có tới 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật đè nặng lên thủ tục triển khai, vận hành dự án. Hệ quả là làm gia tăng thời gian, chi phí, làm lỡ cơ hội đầu tư, tăng rủi ro với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Về phía Chính phủ, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 mới đây đã yêu cầu Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý 4/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch VNREA đề xuất cần cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở xã hội. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đề xuất cho phép giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án nhà ở xã hội để ưu đãi và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhất là các dự án nhà ở xã hội cho thuê.
“Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, các chủ đầu tư dự án nhà thương mại sẽ phải tính toán lại giá bán để cạnh tranh”, ông Nam khẳng định.
( Theo Enternews.vn )