Khát sản phẩm đầu tư, né vùng nóng, dòng tiền đang đổ về đâu?

Dù thị trường không còn được thịnh vượng như thời kỳ hoàng kim là những năm 2016-2018 nhưng số lượng nhà đầu tư đi săn bất động sản trong 2 năm Covid-19 vẫn đông đảo. Một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư đang có xu hướng né những khu vực bất động sản đã phát triển nóng, tìm về những vùng bình lặng có tiềm năng.

Làn sóng đầu tư tiếp tục gia tăng

Thị trường bất động sản Việt Nam phải đối mặt với thách thức kép trong những năm gần đây, đó là khó khăn liên quan đến việc rà soát pháp lý dự án khiến nguồn cung hạn chế và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến thị trường bị đảo lộn.

Việc rà soát pháp lý dự án khiến thị trường vô cùng khan hiếm nguồn cung là các dự án chuẩn chỉnh pháp lý. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã bồi một cú đánh mạnh vào nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Các kênh đầu tư đều chịu tác động mạnh và chao đảo vì dịch bệnh: giá vàng lên xuống thất thường, chứng khoán liên tục lao dốc, lãi suất ngân hàng giảm mạnh… Việc đầu tư vào các ngành sản xuất cũng khó khăn do các tác động tiêu cực của đại dịch.

Trong bối cảnh đó, bất động sản vẫn được coi là kênh trú ẩn an toàn của dòng tiền. Dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn cho thấy mức độ quan tâm tới bất động sản đang tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, đạt 37% so với cùng kì năm ngoái. Sau mỗi đợt Covid-19, mức độ quan tâm đối với bất động sản luôn tăng mạnh. Cụ thể, sau Covid-19 đợt 1, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 306%, sau Covid-19 lần 2 thị trường tăng 62%, sau Covid-19 lần 3, thị trường tăng mạnh 378%. Ngay sau khi lệnh giãn cách của đợt dịch thứ 4 được nới lỏng, bắt đầu từ trung tuần tháng 9/2021, mức độ quan tâm bất động sản của người dùng trên cả nước có dấu hiệu phục hồi trở lại. Xu hướng tìm mua nhà đất tăng trưởng gần 55% so với tháng 8 trước đó.

Điều này không khó hiểu bởi từ lâu, với người Việt Nam, tâm lý tấc đất tấc vàng khiến bất động sản không chỉ là tài sản có thể tăng giá theo thời gian mà còn là một kênh tích trữ và đảm bảo giá trị tài sản. Chính bởi vậy mà giới đầu tư vẫn đang săn lùng các sản phẩm bất động sản để đầu tư.

Khát sản phẩm đầu tư, né vùng nóng, dòng tiền đang đổ về đâu?

Nhiều nhà đầu tư đang né vùng BĐS đã phát triển nóng, tìm về những thị trường bình lặng giàu tiềm năng

Nhà đầu tư né vùng phát triển nóng, tìm vùng đất mới

Một khảo sát của Batdongsan.com.vn với các môi giới cho thấy, dù thị trường không còn được thịnh vượng như thời kỳ hoàng kim là những năm 2016-2018 nhưng số lượng nhà đầu tư đi săn bất động sản trong 2 năm Covid-19 vẫn đông đảo. Số lượng nhà đầu tư đông đảo nhất trên thị trường hiện nay là những nhà đầu tư có tài chính 1-3 tỷ đồng và khoảng 70% nhà đầu tư có tài chính 1-3 tỷ đồng quan tâm đến đất nền. 30% các nhà đầu tư còn lại quan tâm tới chung cư, một số loại hình của bất động sản nghỉ dưỡng…

Một thực tế là nội đô Hà Nội đã không còn sức hút với giới đầu tư tài chính thấp và cả những nhà đầu tư vốn lớn. Bởi giá bán các loại hình, phân khúc đều thiết lập mức giá cao, dư địa tăng giá không còn lớn. Khu vực ven đô được đưa vào tầm ngắm trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Nhưng đến thời điểm hiện tại, giá bán khu vực ven đô cũng đang bị đẩy lên cao sau các cơn sốt đất rải rác trong năm 2020 nên nhà đầu tư đang có xu hướng tìm về các thị trường tỉnh.

Đất nền một số thị trường mới nổi mà mặt bằng giá còn thấp, không trải qua những cơn bão giá trong 2 năm dịch bệnh như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương … đang được đưa vào tầm ngắm. Nhà đầu tư Nguyễn Thị Thanh Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ban đầu bà Hương ngắm đến các thị trường đất nền tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… những tỉnh đón mạnh làn sóng FDI trong các năm qua. Đây cũng là những tỉnh mà thị trường bất động sản sôi động, trồi sụt lên xuống với các cơn sốt đất khiến mặt bằng giá cũng đã thiết lập mức cao. Sau khi cân nhắc, bà Hương quyết định khảo sát các thị trường bình lặng hơn là Thái Bình và Nam Định. Đất gần các khu công nghiệp ở đây, như bà Hương khảo sát vẫn còn dao động ở mức trên dưới 10 triệu đồng/m2. Bà Hương đánh giá đây là một mức giá hợp lý để đầu tư.

Tương tự như bà Hương, ông Khúc Văn Lộc (Đống Đa, Hà Nội) lại chọn đất nền Hà Nam khi tìm kiếm sản phẩm đầu tư. Ông Lộc cho rằng đất nền Hà Nam có vị trí kề cận Hà Nội không kém Bắc Ninh, Bắc Giang… trong khi mặt bằng giá đất mềm hơn hẳn các thị trường nóng sốt trên. Ngay cả những dự án đất nền vị trí khu vực thành phố Phủ Lý, gần các khu công nghiệp, gần khu trung tâm, giá dao động phổ biến trên 20 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tương đương vị trí, khu vực, đất nền Bắc Giang, Bắc Ninh… đã bị đẩy lên tới ngoài 30 triệu đồng/m2.

Về bất động sản nghỉ dưỡng, anh Trọng Luyến, môi giới bất động sản nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh cho biết, tâm lý người mua là né tránh những sản phẩm pháp lý không rõ ràng như condotel. Người mua có xu hướng tìm đến những sản phẩm nghỉ dưỡng có sự đảm bảo về mặt pháp lý, cụ thể là sản phẩm đó phải có sổ đỏ sau khi bàn giao. Trong khi những sản phẩm không rõ ràng về pháp lý như condotel ế ẩm thì những bất động sản nghỉ dưỡng đảm bảo pháp lý vẫn ghi nhận giao dịch trên thị trường.

Nhìn nhận về khía cạnh này, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BHS Group cho biết người mua đã “chán” cảnh thắc mắc xem Condotel có sổ hay không có sổ. Với bất động sản nghỉ dưỡng, họ cần ký hợp đồng mua bán và có sổ đỏ sau khi bàn giao nhà. Hơn nữa, thị trường hiện tại có rất nhiều F0 (các nhà đầu tư mới) nên tính an toàn pháp lý luôn được họ đặt lên hàng đầu.

 

( Theo Hải Miên / Thanhnienviet )

Link bài viết: https://batdongsan.com.vn/tin-thi-truong/khat-san-pham-dau-tu-ne-vung-nong-dong-tien-dang-do-ve-dau-ar107967